NHÌN LẠI 2 NĂM CHƯƠNG TRÌNH OCOP TỈNH NAM ĐỊNH – PHẦN 1
Mặc dù mới triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được 2 năm, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng đáng ghi nhận và là 1 trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định được ưu thế, thương hiệu trong xu thế lựa chọn tiêu dùng của thị trường, người dân. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì, phát triển toàn diện Chương trình OCOP tạo nguồn lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới, ngành chức năng, các địa phương và nhất là người dân cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Là địa phương không có nhiều tiềm lực song tỉnh ta lại là 1 trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 và Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh An Giang lựa chọn Nam Định để tìm hiểu, học tập cách làm và những kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP. Đây là một minh chứng rõ nét ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong 2 năm thực hiện Chương trình OCOP. Để có được kết quả đó, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu trong việc xác định mục tiêu, lựa chọn hướng đi, cách làm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 5-6-2019 về triển khai thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Nam Định và hàng chục văn bản chỉ đạo, đôn đốc; quy định mức chi hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2020.