TỈNH NAM ĐỊNH CÔNG NHẬN 91 SẢN PHẨM OCOP NĂM 2022
Ngày 27/12/2022 UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND công nhận 91 sản phẩm OCOP năm 2022 của 65 chủ thể sản xuất, trong đó có 14 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 77 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các huyện có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP: huyện Giao Thủy 29 sản phẩm; Xuân Trực Ninh 18 sản phẩm; Xuân Trường 17 sản phẩm, Hải Hậu 9 sản phẩm.
Số lượng cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP và số lượng sản phẩm OCOP năm 2022
Trong 91 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, có 8 sản phẩm OCOP đề nghị đánh giá lại vì hết thời hạn công nhận; 5 sản phẩm OCOP 3 sao đề nghị đánh giá nâng hạng 4 sao; 78 sản phẩm mới tham gia năm 2022.
Năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã chủ động, linh hoạt phối hợp với các huyện, thành phố để chỉ đạo, rà soát, khuyến khích, hướng dẫn, các chủ thể sản phẩm tham gia thực hiện Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Các cơ sở sản xuất đã nỗ lực, cố gắng, tâm huyết trong việc đầu tư cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện chất lượng sản phẩm, hồ sơ sản phẩm đảm bảo các tiêu chí của Chương trình OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022 được đánh tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền như: sản phẩm chế biến từ Ngao của Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam, Gạo sạch Quỳnh Thanh của Công ty TNHH Thanh Đoàn, sản phẩm Vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của Hợp tác xã lụa Cổ Chất – làng nghề Cổ chất – xã Phương Định, các sản phẩm chế biến từ thủy sản của huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy,…
Tuy nhiên bên cạnh đó còn tồn tại là số sản phẩm OCOP ở các huyện, thành phố không đồng đều, riêng huyện Ý Yên năm nay không có sản phẩm được công nhận.
Như vậy đến hết năm 2022 toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP (trong đó có 47 sản phẩm 4 sao chiếm 14% và 282 sản phẩm 3 sao chiếm 86%).
Có được kết quả bước đầu như trên là do:
– Chương trình OCOP được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, các huyện, thành phố; tinh thần làm việc trách nhiệm, nhiệt tình của các thành viên Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện. Xác định sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất – thu nhập – hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
– Công tác ban hành hệ thống Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP được ban hành đồng bộ, kịp thời, cơ bản tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện Chương trình.
– Sở Nông nghiệp & PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã phối hợp, chỉ đạo Đơn vị tư vấn thực hiện tích cực trong việc hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đảm bảo theo quy định.
– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Do đó đã tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình.
Trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện các bước của chu trình OCOP thường niên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên Website Chương trình OCOP tỉnh Nam Định; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong: truyền thông về Chương trình OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP./.