Ngày 18/11/2024, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, cùng sự tham dự của các thành viên Hội đồng. Trong không khí nghiêm túc và trách nhiệm, 24 sản phẩm của 10 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được thảo luận, đánh giá và phân hạng.
Hình ảnh Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm
Chặng đường 6 năm: OCOP Nam Định không ngừng vươn xa
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Nam Định. Với sự đồng lòng, nỗ lực từ các cấp chính quyền, các cơ sở sản xuất và người dân, đến ngày 18/11/2024 Nam Định hiện có 489 sản phẩm OCOP, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng lẫn chất lượng. Chương trình OCOP không chỉ là Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mà còn giúp nâng cao giá trị thương mại, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm địa phương.
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 được thực hiện nghiêm ngặt theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các sản phẩm đạt 3 sao được công nhận ở cấp huyện, còn các sản phẩm từ 4 sao do Hội đồng cấp tỉnh xem xét, đánh giá. Những tiêu chí chặt chẽ trong đánh giá không chỉ đảm bảo tính minh bạch, công bằng mà còn tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở sản xuất không ngừng cải tiến, đổi mới.
Kết quả đánh giá OCOP cấp huyện: Nền tảng cho sự phát triển
Trong năm 2024, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp & PTNT các Sở, ngành và các huyện, thành phố và đã mang lại những kết quả tích cực. Đến nay đã có 122 sản phẩm được đánh giá tại cấp huyện, trong đó 98 sản phẩm xuất sắc đạt hạng 3 sao và 24 sản phẩm tiềm năng được đề xuất lên Hội đồng cấp tỉnh. Những con số này phản ánh rõ sự đa dạng trong các lĩnh vực sản xuất, từ nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến cho đến các sản phẩm thảo dược và hàng thủ công mỹ nghệ.
Việc triển khai Chương trình OCOP tại cấp huyện không chỉ thúc đẩy các cơ sở sản xuất đổi mới mà còn tạo sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế địa phương.
Những sản phẩm tiêu biểu tại hội nghị
Hội nghị đánh giá OCOP cấp tỉnh năm 2024 chứng kiến sự góp mặt của nhiều sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho sự sáng tạo trong sản xuất của Nam Định. Trong số đó, có 7 sản phẩm lần đầu tham gia, 9 sản phẩm được đề nghị nâng hạng sao và 8 sản phẩm hết thời hạn công nhận được xem xét đánh giá, công nhận lại.
Các sản phẩm mới nổi bật bao gồm:
- Gạo sinh thái ruộng rươi (Công ty TNHH Toản Xuân, Ý Yên): Sản phẩm nổi bật với quy trình sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng các mô hình canh tác sinh thái nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
- Gạo Bắc thơm Nghĩa Bình (HTX SXKD DVNN Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng): Với chất lượng vượt trội, gạo Bắc thơm được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương thơm tự nhiên và vị ngọt thanh khiết.
- Sứa ăn liền Phương Trang (Công ty TNHH Quý Thịnh, Hải Hậu): Đây là sản phẩm mang tính đột phá, được chế biến theo công nghệ hiện đại, đảm bảo tiện lợi và an toàn thực phẩm.
- Cá Mai tẩm gia vị (Công ty Hải sản Hùng Vương, Giao Thủy): Với sự kết hợp giữa nguyên liệu tươi ngon và quy trình chế biến độc đáo, sản phẩm đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
- Ốc hương An Hòa (HTX An Hòa, Hải Hậu): Sản phẩm này không chỉ mang đến giá trị dinh dưỡng cao mà còn góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững tại địa phương.
Các sản phẩm nâng hạng sao cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ:
- Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999 (Công ty TNHH Toản Xuân): Đây là minh chứng cho sự đổi mới trong quy trình sản xuất, từ việc xây dựng vùng liên kết sản xuất, chọn giống đến công nghệ chế biến, đóng gói.
- Trà mầm gạo lứt đỏ và Trà Ban Cha mầm đậu đen (Công ty Hạnh Tâm, Nam Trực): Hai sản phẩm này không chỉ đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh mà còn nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.
- Ba sản phẩm nâng hạng sao của Công ty cổ phần dược liệu Hải Hậu gồm Trà gừng đen Ogatea, Trà thảo mộc túi lọc Hoạt huyết dưỡng não Ogatea và Trà thảo mộc túi lọc nhân trần Ogatea được đánh giá cao nhờ quy trình sản xuất hiện đại, nguyên liệu thảo mộc chất lượng, và hương vị tự nhiên đặc trưng. Sự đầu tư bài bản vào sản phẩm đã giúp công ty khẳng định thương hiệu, góp phần quảng bá các sản phẩm dược liệu của địa phương ra thị trường rộng lớn hơn.
Hội đồng cũng ghi nhận sự đổi mới và đầu tư bài bản của các cơ sở sản xuất trong việc cải tiến bao bì, mẫu mã và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Những nỗ lực này không chỉ giúp các sản phẩm OCOP gia tăng giá trị thương mại mà còn khẳng định vị thế của Nam Định trên bản đồ kinh tế cả nước.
Đánh giá công bằng, khách quan và định hướng phát triển
Trong suốt quá trình đánh giá, Hội đồng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Các sản phẩm được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, bao gồm chất lượng, mẫu mã, giá trị kinh tế, và tiềm năng phát triển bền vững.
Hội đồng đã đặc biệt ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các cơ sở sản xuất, nhất là đối với các sản phẩm có tổ chức vùng liên kết sản xuất nguyên liệu và chế biến sâu như Nghêu thịt hộp Lenger, Gạo sinh thái ruộng rươi và Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999. Đây là những sản phẩm điển hình cho xu hướng sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, các sản phẩm chế biến thảo dược như Trà gừng đen Ogatea, Trà túi lọc nhân trần Ogatea từ Công ty cổ phần dược liệu Hải Hậu cũng được đánh giá cao nhờ vào sự sáng tạo và chất lượng vượt trội. Các sản phẩm này không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành trà tại địa phương mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu trong tương lai.
Tầm nhìn mới cho sản phẩm OCOP Nam Định
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Anh Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các sản phẩm OCOP trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hỗ trợ phát triển cơ sở sản xuất: Tạo điều kiện thuận lợi về vốn, kỹ thuật và đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số: Khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia vào các sàn thương mại điện tử, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu: Các cơ sở cần không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì để tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
OCOP Nam Định – Hành trình từ nông thôn đến thế giới
Kết thúc hội nghị, 23 sản phẩm được đánh giá đạ trên 70 điểm, trong đó có 3 sản phẩm xuất sắc đạt trên 90 điểm. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ các cơ sở sản xuất và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền tỉnh Nam Định.
Sự phát triển của Chương trình OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Nam Định – một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và tiềm năng kinh tế. Với chiến lược phát triển đúng đắn và sự đồng hành của toàn xã hội, các sản phẩm OCOP Nam Định sẽ không ngừng vươn xa, trở thành niềm tự hào của quê hương và là cầu nối đưa giá trị Việt ra thế giới.