Huyện Nghĩa Hưng có 24 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, trong đó có 17 sản phẩm mới và 7 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại khi hết thời hạn công nhận. Trong thời gian vừa qua huyện Nghĩa Hưng đã tích cực, chủ động phối hợp cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP.
Các chủ cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đợt này cũng tích cực, chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm đảm bảo theo quy định của Bộ Tiêu chí chương trình OCOP. Đối với những sản phẩm công nhận lại bên cạnh những hồ sơ, tài liệu đã có, chủ thể phải hoàn thiện các yêu cầu theo Bộ tiêu chí OCOP mới ban hành năm 2023, đặc biệt là sự cải tiến, nâng cấp về nhãn mác, bao bì, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất so với thời điểm đã được công nhận sản phẩm OCOP năm 2020.
Với những nỗ lực, cố gắng hoàn thiện sản phẩm của các cơ sở sản xuất ngày 08/7/2024 UBND huyện Nghĩa Hưng đã ban hành quyết định công nhận 06 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024, gồm 02 sản phẩm mới: Gạo nếp cái hoa vàng Nghĩa Lợi; gạo tám thơm Đồng Lạc và 4 sản phẩm công nhận lại: cá Chạch kho Thỉnh Ca; gạo nếp thơm Giáo Lạc; Mắm tôm Ngọc Lâm; Nước mắm nguyên chất – Gia truyền Lạch Giang.
Hình ảnh các sản phẩm đánh giá, phân hạng tại Hội đồng OCOP huyện Nghĩa Hưng
Nổi bật trong nhóm các sản phẩm OCOP 3 sao huyện Nghĩa Hưng công nhận là 2 sản phẩm mới Gạo nếp cái hoa vàng Nghĩa Lợi và sản phẩm Gạo tám thơm Đồng Lạc
Sản phẩm phẩm Gạo nếp cái hoa vàng Nghĩa Lợi do HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Lợi sản xuất. Với giống lúa Nếp cái hoa vàng là giống lúa bản địa được trồng ở một số huyện trong tỉnh, khi chín vỏ Lúa nếp cái hoa vàng có màu nâu sẫm, hạt tròn, dẹt và nhỏ hơn nếp thường một chút, giống lúa dẻo thơm đặc trưng rất hấp dẫn. Đây là loại nếp dược sử dụng để chế biến các món ăn truyền thống như xôi, cơm nếp, bánh chưng, bánh giầy hoặc ủ rượu. Năng suất, giá trị thu nhập cao gấp 1,5 lần lúa thường.
Nhận thức được việc tự sản xuất đơn lẻ của các hộ dân trong HTX chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, HTX đã tổ chức liên kết các hộ dân là thành viên của HTX để sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng với quy mô lớn, canh tác đảm bảo các điều kiện kỹ thuật về an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng đồng đều của hạt gạo. Đồng thời HTX xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm Gạo nếp cái hoa vàng của quê hương Nghĩa Lợi và gia tăng giá trị cho hạt gạo quê hương qua đó dần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trồng lúa trên địa bàn xã. Hiện nay sản phẩm đã được phân phối rộng rãi trên địa bàn trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh,… Đầu năm 2023, sản phẩm Gạo của HTX đã xuất bán được 126 tấn, doanh thu trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính trên 300 triệu đồng. Dự kiến năm 2024, sản phẩm gạo sẽ xuất bán được 160 tấn. Các năm tiếp theo Hợp tác xã phấn đấu có mức tăng trưởng từ 10% đến 20%.
Sản phẩm Gạo tám thơm Đồng Lạc của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Lạc – xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Vùng đất Đồng Lạc, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định may mắn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với khí hậu thuận lợi, nhờ đó hơn 30 năm nay có thể trồng cấy được giống lúa Bắc thơm số 7 khi chín thóc có màu vàng óng, hình dáng nhỏ và thon. Gạo tám thơm Đồng Lạc hạt nhỏ đều, bóng, màu trắng trong, có mùi thơm đậm, đặc trưng, vị đậm và dẻo. Trước đây, hơn 1000 hộ gia đình ở Đồng Lạc chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống, sử dụng sức người là chính để canh tác. Từ khi các hộ dân tham gia HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Lạc, tất cả quá trình từ làm đất, gieo trồng đến khi thu hoạch đều được cơ giới hóa. Quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch cũng được chuẩn hóa, nhà xưởng với dây chuyền hiện đại, có nhà máy sấy, xay, xát gạo, máy đóng gói, máy tách vỏ… Qua đó giúp hạt gạo giữ nguyên hương vị, giá trị dinh dưỡng của gạo, có thể kéo dài thời gian bảo quản mà không phải sử dụng chất bảo quản. Nhờ đó sản phẩm gạo tám thơm Giáo Lạc luôn giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Đến nay, với hơn 100 ha gieo trồng, mỗi vụ HTX SXKD DVNN Đồng Lạc cung cấp được khoảng 700 tấn gạo thành phẩm cho các thị trường các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng… Sản phẩm được đóng gói trong bao bì với khối lượng 1kg, 2kg, 5 kg, 10 kg, 50 kg phù hợp với nhu cầu đa dạng của hộ gia đình cho đến các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, có thể làm quà biếu trong các dịp lễ tết.
Các sản phẩm công nhận lại đợt này đều được đánh giá là những sản phẩm chất lượng, có sự cải tiến, nâng cấp so với thời điểm công nhận sản phẩm OCOP năm 2020. Các cơ sở sản xuất cũng nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm:
– Quá trình công nhận lại giúp các cơ sở sản xuất duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm luôn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và chất lượng, từ đó gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
– Đảm bảo tính bền vững: Công nhận lại sản phẩm OCOP khuyến khích cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
– Tăng cường thương hiệu và giá trị sản phẩm: Việc đạt được công nhận lại giúp củng cố thương hiệu của sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm trên thị trường. Các sản phẩm được công nhận lại thường dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu.
– Tạo động lực cho đổi mới và sáng tạo: Quá trình đánh giá lại thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo để cải thiện chất lượng sản phẩm. Điều này tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn và phong phú hơn cho người tiêu dùng.
– Cải thiện khả năng cạnh tranh: Sản phẩm OCOP đã được công nhận lại thường có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Điều này không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn góp phần tạo dựng uy tín cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến của địa phương.
Những hiệu quả trên không chỉ giúp các cơ sở sản xuất cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao các sản phẩm này tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện để đảm bảo các tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao./.