Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 09/4/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu có trên 40 sản phẩm OCOP mới đạt hạng 3 sao trở lên. Trong thời gian qua Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh đã phối hợp với Đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện, thành phố tổ chức rà soát, hướng dẫn hỗ trợ trên 120 sản phẩm mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024 và có trên 80 sản phẩm hết thời hạn công nhận đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm.
10/10 huyện, thành phố đều có đăng ký các sản phẩm mới tham gia thực hiện Chương trình OCOP năm 2024, trong đó huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên và thành phố Nam Định có trên 15 sản phẩm mới đăng ký.
Trong đó chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 (với trên 88%).
Những sản phẩm mới tham gia chương trình mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là cơ hội để các chủ thể sản xuất hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chí của Chương trình OCOP đề ra và giới thiệu sản phẩm của mình đến với thị trường rộng lớn hơn mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu của từng sản phẩm. Việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP cũng thúc đẩy các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm.
Hình ảnh sản phẩm Bánh Gai Hương Cúc tham gia Chương trình OCOP năm 2024
4 sản phẩm Dầu Dinh dưỡng của Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dũng – huyện Ý Yên tham gia Chương trình OCOP năm 2024
Với trên 80 sản phẩm đăng ký đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP sau khi hết thời hạn công nhận (36 tháng kể từ ngày ký quyết định). Giai đoạn 2019-2022 các sản phẩm thực hiện theo Bộ tiêu chí cũ tại Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó đây là dịp để các chủ thể sản xuất tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm của mình phù hợp với nhu cầu của thị trường và hoàn thiện thêm một số tiêu chí mới của Bộ tiêu chí Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2023. Qua quá trình tham gia đánh giá lại, các sản phẩm này sẽ tiếp tục được hỗ trợ tư vấn về cải thiện, phát triển về chất lượng, mẫu mã và quy trình sản xuất, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm tiếp tục phát triển trên thị trường.
Kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 của tỉnh Nam Định
- Tổ chức các đợt tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024, thực hiện hướng dẫn chi tiết từng chủ thể về hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, hoàn thiện các tài liệu về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất. Bên cạnh đó Đơn vị tư vấn Chương trình thực hiện tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất qua các nhóm zalo, điện thoại để đảm bảo đồng hành cùng với chủ thể trong suất quá trình tham gia Chương trình.
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức thiết kế tem nhãn, bao bì sản phẩm mới đăng ký tham gia thực hiện Chương trình. Việc thiết kế bao bì sản phẩm sẽ tập trung vào việc tạo ra những thiết kế hiện đại, bắt mắt, đồng thời đảm bảo tính thân thiện với môi trường. Tem nhãn phải chứa đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao gồm nguồn gốc, thành phần, hướng dẫn sử dụng và các chứng nhận chất lượng phù hợp với quy định của Nhà nước về ghi tem nhãn bao bì sản phẩm.
- Hỗ trợ thiết lập tạo mã QR code cho các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, nhằm mục đích tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ các chủ thể thiết lập mã Qrocde sản phẩm sẽ giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm, xuất xứ và quy trình sản xuất chỉ bằng một thao tác quét mã trên điện thoại di động.
- Tiếp tục thực hiện các nội dung về xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP, Các sản phẩm OCOP của tỉnh được các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên hỗ trợ, thông tin, tuyên truyền về việc đăng ký tham gia các các hội chợ, triển lãm, các buổi giới thiệu sản phẩm đặc biệt là các hội chợ về sản phẩm OCOP trên cả nước và ngoài nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tạo sự nhận biết và tin tưởng đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định.
Việc hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa của tỉnh Nam Định. Chương trình OCOP sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn bền vững và hiệu quả./.