Loạt bài: XÓA ĐIỂM NGHẼN OCOP
Phần I: Thờ ơ từ các chủ thể
Từ một địa phương là tỉnh Quảng Ninh phát kiến đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) và nhân rộng Chương trình ra cả nước. Hiệu quả của Chương trình trong 3 năm thực hiện đã bước đầu được ghi nhận, tuy nhiên, phía sau những thành công cũng đang bộc lộ những “điểm nghẽn” từ chính các địa phương triển khai chương trình và cần có các giải pháp khắc phục, khơi thông trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu tại một số địa phương, nhiều chủ thể còn chưa nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia chương trình, hay vẫn còn những khoảng trống trong đánh giá chất lượng sản phẩm. Điều này phần nào gây nên những e ngại cho các chủ thể khi tiếp cận chương trình.
Theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương); gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường.