Huyện Trực Ninh chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

untitled 1 20230807082842

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Trực Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng của từng địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Sản phẩm thịt lợn nuôi bằng thảo dược của trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Sản phẩm thịt lợn nuôi bằng thảo dược của trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Thị trấn Ninh Cường có sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng và có vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương hàng hóa. Chính quyền và các hội, đoàn thể của thị trấn đã tích cực thông tin, tuyên truyền những lợi ích, ý nghĩa của Chương trình OCOP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đảm bảo các yêu cầu về điều kiện sản xuất và theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, Ninh Cường là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất huyện Trực Ninh với 4 sản phẩm: nước mắm Ninh Cường, mắm cáy Ninh Cường, gạo mộc Hương Tâm và kẹo lạc Vũ Thịnh. Các sản phẩm này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm, được thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Một số sản phẩm đã có mặt trong hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Ninh Cường cho biết: “Theo quy định, các chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm OCOP mới, UBND thị trấn tiếp tục tuyên truyền cho các cơ sở tăng cường đảm bảo các quy định về chất lượng đối với những sản phẩm đã được xếp hạng; đồng thời tạo điều kiện quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP”.

Thành lập năm 2019, Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng đã xác định mục tiêu xây dựng các sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP để nâng cao giá trị hạt gạo quê hương. Công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến tiêu chuẩn, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi với các hộ nông dân, HTX tạo thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới cung cấp nguồn gạo ngon, sạch đến người tiêu dùng. Được sự tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước, năm 2021, Công ty đã đăng ký tham gia Chương trình và được công nhận 3 sản phẩm OCOP 3 sao là Gạo sạch Quỳnh Thanh Bắc Thơm số 7, Gạo sạch Quỳnh Thanh ST25, Gạo sạch Quỳnh Thanh 999. Các sản phẩm của Công ty sau khi đạt chuẩn OCOP đã được phân phối khắp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam… Công ty đang tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ vào các tỉnh miền trong, đồng thời đẩy mạnh bán hàng, quảng bá sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, qua website bán hàng của Công ty, các gian hàng trên trang thương mại điện tử và các mạng xã hội. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty không ngừng nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm tốt hơn để hướng đến cung ứng những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Năm 2022, Công ty đăng ký 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó sản phẩm gạo sạch Quỳnh Thanh ST25 được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và sản phẩm gạo nếp Bắc Quỳnh Thanh mới được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao”.

Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh và thực tế ở địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Huyện cũng chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn huyện có 18/21 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP với 36 sản phẩm của 24 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Đặc biệt, các HTX đang ghi dấu ấn trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tiêu biểu là các sản phẩm OCOP: Nấm Linh Chi của HTX nấm Nhật Bằng (xã Trực Thái); Gạo nếp đặc sản Trực Thanh của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Thanh (xã Trực Thanh); Gạo ST25 Đăng Dung của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Liêm (xã Liêm Hải); Mực đông lạnh Hùng Cường của HTX dịch vụ nông nghiệp môi trường và thủy sản Hùng Cường (xã Trực Cường)… Việc xây dựng các sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao thu nhập của người dân, là một trong những “đòn bẩy” giúp huyện Trực Ninh đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện tất cả 21 xã, thị trấn của Trực Ninh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2018-2020. Huyện đang hướng dẫn xã Trực Nội, Trực Tuấn hoàn thiện hồ sơ căn cứ chứng minh và thực địa để được thẩm định, công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2022; đồng thời tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Phát triển sản phẩm OCOP là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Do vậy thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong thực hiện Chương trình OCOP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP… Huyện phấn đấu trong năm 2023 sẽ có thêm 10 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao trở lên./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Để lại một bình luận

Kết nối zalo