Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang trở thành một chiến phương thức quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, giúp các địa phương phát triển các sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị kinh tế. Để tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và triển khai Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ cấp huyện và các cơ sở sản xuất, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định đã tổ chức lớp tập huấn năm 2024. Chương trình tập huấn lần này không chỉ bao gồm những nội dung về lý thuyết mà còn tạo cơ hội cho các học viên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những địa phương thành công, đặc biệt là chuyến tham quan thực tế trong 02 ngày 10-11/10/2024 tại Nghệ An, tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Lớp tập huấn Chương trình OCOP 2024 được tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ OCOP cấp huyện, đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển các sản phẩm OCOP ở địa phương. Đây là cơ hội để cán bộ, các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong tỉnh Nam Định học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm quản lý, sản xuất OCOP hiệu quả từ các tỉnh thành khác. Lớp tập huấn không chỉ cung cấp lý thuyết về quản lý chương trình OCOP mà còn nhấn mạnh vào việc trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cụ thể là từ các mô hình OCOP thành công trên cả nước.
Nội dung của lớp tập huấn còn đặc biệt hướng tới việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất tại Nam Định trong việc phát triển các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và cải thiện mẫu mã bao bì để gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào việc hỗ trợ các đơn vị phát triển các chiến lược quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó tạo ra những cơ hội phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Một phần quan trọng trong chương trình tập huấn lần này là chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Nghệ An, nơi đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển các sản phẩm OCOP (tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP). Đây là dịp để các học viên quan sát, tìm hiểu những mô hình sản xuất thực tiễn và học hỏi cách tổ chức, triển khai hiệu quả Chương trình OCOP tại Nghệ An.
Chuyến tham quan thực tế tại Nghệ An – Học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình OCOP tiêu biểu
Chuyến tham quan thực tế tại Nghệ An là một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình tập huấn. Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với nhiều mô hình phát triển OCOP thành công và đa dạng. Đây là cơ hội để các học viên trực tiếp tiếp xúc với các sản phẩm OCOP chất lượng cao, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các nhà sản xuất và cơ quan quản lý tại địa phương.
Một trong những Đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu Đoàn tham quan là Công ty TNHH Đức Phong – một trong những cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tại Nghệ An. Sản phẩm đèn lồng treo mây tre đan của Đức Phong không chỉ được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ mà còn là một sản phẩm đạt OCOP 5 sao, khẳng định được giá trị thương hiệu trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Đoàn đã có cơ hội nghe đại diện công ty chia sẻ về quy trình sản xuất, từ việc chọn nguyên liệu đến quá trình chế tác thủ công, cũng như những sáng kiến trong việc kết hợp công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân kết hợp với tinh hoa văn hóa địa phương đã giúp sản phẩm của Đức Phong tạo ra dấu ấn riêng biệt trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về quy trình sản xuất, đoàn còn được thăm quan các điểm bán hàng OCOP của Nghệ An, nơi trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP đa dạng từ nhiều địa phương trong tỉnh. Những sản phẩm như trà lá sen, mật ong hoa rừng, rượu sen Quê Bác đều được trưng bày bắt mắt với bao bì hiện đại, dễ nhận diện, thu hút sự chú ý của khách hàng. Các học viên đã trao đổi với các cơ sở bán hàng về cách thức quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP, đặc biệt là qua các kênh thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị thương hiệu.
Một điểm dừng chân khác đầy ấn tượng trong chuyến tham quan là HTX nông nghiệp Sen Quê Bác – một trong những mô hình OCOP thành công nhất tại Nghệ An với 11 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao được chứng nhận. Đây là nơi khai thác tối đa giá trị của cây sen, từ hạt sen, lá sen cho đến tâm sen và củ sen, tất cả đều được chế biến thành những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương. Đoàn đã được tham quan khu vực sản xuất của HTX và nghe chia sẻ về quy trình quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm mới từ nguyên liệu sen. Mô hình này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Qua đó, các học viên cũng học hỏi được nhiều bài học quý giá trong việc phát triển các sản phẩm OCOP tại Nam Định, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của HTX Sen Quê Bác chính là việc tập trung phát triển bao bì, mẫu mã sản phẩm để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng. HTX không chỉ phát triển mạnh trong việc bán hàng trực tiếp mà còn thông qua các kênh thương mại điện tử, giúp sản phẩm tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, từ đó nâng cao doanh thu và thương hiệu. Ngay tại HTX đã bố trí điểm bán sản phẩm OCOP tiêu biểu của HTX và một số sản phẩm OCOP tiêu biểu khác của tỉnh, đây là sự sắp xếp rất phù hợp cho các du khách khi về thăm quê Bác được trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng, vùng miền của miền đất Xứ Nghệ than thương.
Sau chuyến tham quan thực tế tại Nghệ An, các học viên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP tại tỉnh Nam Định, thông qua những lớp tập huấn như thế này, không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý của cán bộ địa phương mà còn tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất học hỏi những mô hình OCOP thành công, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, trong đó chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, cải thiện mẫu mã và bao bì, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP Nam Định không chỉ phát triển mạnh trong nước mà còn có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh thành khác sẽ tiếp tục được tổ chức để các cán bộ và cơ sở sản xuất có thêm cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP. Với sự đồng lòng và nỗ lực của các cán bộ các cấp và cơ sở sản xuất, Chương trình OCOP tại Nam Định hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới, góp phần nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của người dân và tạo ra những sản phẩm mang tính biểu tượng cho địa phương./.