TẬP HUẤN, HỌC TẬP KINH NGHIỆM THỰC TẾ TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP TẠI TỈNH NINH BÌNH VÀ TỈNH THANH HÓA

TẬP HUẤN, HỌC TẬP KINH NGHIỆM THỰC TẾ TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP TẠI TỈNH NINH BÌNH VÀ TỈNH THANH HÓA

 

Thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Nam Định Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023, trong 2 ngày 15-16/12/2023, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định tổ chức lớp tập huấn, đối tượng là cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện và các cơ sở sản xuất tham quan thực tế triển khai, thực hiện Chương trình OCOP tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa.

Với mục đích tập huấn, hướng dẫn những nội dung về triển khai Chương trình OCOP năm 2023 và các năm tiếp theo. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực về quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất, tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2023.

Trong quá trình tham quan thực tế tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa, học viên của lớp tập huấn được Văn phòng Điều phối nông thôn mới 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa chia sẻ, trao đổi về Phương pháp đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phương pháp quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn; công tác hoàn thiện sản phẩm OCOP và công tác truyền thông, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại 2 tỉnh.

Tại tỉnh Ninh Bình Đoàn đã tham quan cơ sở sản xuất sản phẩm Thịt Chưng Mắm Tép (sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm nông thôn tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Ninh Bình năm 2021) của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lệ Thanh tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Đoàn đã có nhiều nội dung trao đổi về việc hoàn thiện, phát triển các sản phẩm có tính tương đồng với các sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó nổi bật là việc lựa chọn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm; phương thức bảo quản sản phẩm thịt chế biến trong thời gian dài, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Hộ kinh doanh. Đoàn được tham quan điểm bán sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Ninh Bình tại Phố Cổ Hoa Lư.

Tại tỉnh Thanh Hóa Đoàn đã được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa phối hợp hướng dẫn tham quan, học tập kinh nghiệm tại Công ty TNHH thương mại thủy sản Long Dương (sản phẩm Moi sấy Long Dương), gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa; cơ sở sản xuất  rượu Sim Bảo An tại xã Hoằng Xuân, Hoằng Hóa.

 

Qua hai ngày học tập kinh nghiệm thực tế về Chương trình OCOP tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa, các học viên được giao lưu, trao đổi, chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục phát triển tốt hơn nữa các sản phẩm của cơ sở mình và tại địa phương mình. Đặc biệt là công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã được tham quan thực tế. Trong năm 2024 Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định tiếp tục xây dựng kế hoạch để tổ chức các lớp tập huấn, Đoàn tham quan thực tế tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể OCOP của tỉnh Nam Định phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Kết nối zalo