Hành trình công nhận sản phẩm OCOP năm 2025 huyện Nghĩa Hưng: Nỗ lực – Đồng hành – Lan tỏa giá trị

Nghia Hung 01

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) không chỉ là một chiến lược phát triển kinh tế nông thôn bền vững, mà còn là hành trình của niềm tin, của sự đồng hành giữa Nhà nước và Nhân dân. Huyện Nghĩa Hưng – một trong những vùng đất giàu truyền thống sản xuất, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đã ghi dấu ấn nổi bật trong năm 2025 với việc công nhận 20 sản phẩm OCOP 3 sao của 8 cơ sở sản xuất. Thành quả này thể hiện rõ sự phát triển, nỗ lực không ngừng của các cơ sở sản xuất và sự hỗ trợ sâu sát, thiết thực từ các cơ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Nghia Hung 01

Ảnh sản phẩm OCOP huyện Nghĩa Hưng năm 2025

 

Khởi đầu từ tâm huyết và khát vọng vươn lên của người dân

Ngay từ đầu tháng 3/2025, các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã tích cực đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Điều đặc biệt là nhiều đơn vị lần đầu tiên tham gia đã mạnh dạn đầu tư cải tiến, nâng cấp sản phẩm với tâm thế nghiêm túc và mong muốn đưa sản phẩm “ra ánh sáng”, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Mỗi sản phẩm tham gia không chỉ là kết tinh của nguyên liệu địa phương mà còn là công sức, tâm huyết của người dân. Từ những sản phẩm truyền thống như tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, rượu nếp cẩm, bánh chưng, gạo nếp cau, đến các sản phẩm có tính chất chế biến sâu hơn như tổ yến chưng, bánh khoai môn, nem thịt ngon… tất cả đều mang đậm bản sắc địa phương và tiềm năng phát triển thương mại rõ rệt.

Nghia Hung 02

Ảnh sản phẩm OCOP huyện Nghĩa Hưng năm 2025

 

Đồng hành từ chính quyền – Hỗ trợ là phương châm xuyên suốt

Đồng hành cùng các cơ sở sản xuất trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ OCOP là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định, các đơn vị tư vấn chuyên mônVăn phòng Điều phối NTM huyện Nghĩa Hưng. Mọi công đoạn từ hướng dẫn lập hồ sơ minh chứng, hỗ trợ phân tích điểm mạnh – điểm yếu của sản phẩm, định hướng thiết kế nhãn mác, cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm, xây dựng, tạo mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đều được thực hiện bài bản, chi tiết.

Không chỉ dừng lại ở vai trò quản lý, các cơ quan nhà nước đã thực sự trở thành “người bạn đồng hành” đáng tin cậy của các hộ kinh doanh. Chính sự sát cánh ấy đã tạo ra niềm tin vững chắc giữa người sản xuất và bộ máy chính quyền – yếu tố then chốt làm nên thành công của chương trình OCOP tại địa phương.

Gặt hái thành công – 20 sản phẩm, 3 tháng nỗ lực, một niềm tin lan tỏa

Sau gần 3 tháng triển khai từ khi đăng ký tham gia, đến ngày 06/6/2025, huyện Nghĩa Hưng đã chính thức công nhận 20 sản phẩm OCOP 3 sao của 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là kết quả của quyết tâm cao độ mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới và khả năng thích ứng nhanh chóng của các cơ sở sản xuất.

Đáng ghi nhận hơn cả là việc chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ minh chứng, nâng cấp quy trình sản xuất, cải tiến bao bì, thiết kế nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc – tất cả nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt của chương trình OCOP.

Các sản phẩm được công nhận bao gồm:

  • Hộ kinh doanh Lại Thị Ngọc (xóm Bảo Điền, xã Nghĩa Thành): tinh bột nghệ Minh Ngọc, tinh bột sắn dây Minh Ngọc, thịt gấc tươi Minh Ngọc.
  • Hộ kinh doanh Hoàng Châu Anh (xóm 3, Phúc Thắng): rượu nếp cẩm Thiên An.
  • Cơ sở sản xuất miến và kinh doanh thóc gạo Dũng Trang (xã Nghĩa Trung): mỳ phở Minh Khang, bún nước Minh Khang.
  • Hộ kinh doanh Tạp hóa Ánh Tuyết (xã Nghĩa Trung): gạo nếp cau Trường Sinh, bánh chưng Đại Phát, tinh bột sắn dây Trường Sinh.
  • Hộ kinh doanh Trần Ngọc Hiệp (xóm 1, xã Nghĩa Sơn): rượu nếp Hương Quê.
  • Hộ kinh doanh Dung Tiến (xóm Lạc Phú, xã Nghĩa Lâm): yến chưng vị đường phèn, yến chưng vị đông trùng, yến chưng tứ vị.
  • Công ty Cổ phần thực phẩm Trang Dũng (TDP 8, TT Rạng Đông): bánh khoai môn Lệ Phố, nem thịt ngon, khoai lang kén Rạng Đông.
  • HKD Đoàn Đức Vượng (xóm Cường Thịnh, xã Nghĩa Lâm): yến chưng chồi non, yến rút lông nguyên tổ, yến chưng đông trùng hạ thảo, yến chưng đông trùng hạ thảo Plus.

20 sản phẩm không chỉ phong phú về chủng loại, hình thức thể hiện mà còn cho thấy sự trưởng thành trong tư duy sản xuất, tư duy thị trường của các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Nghia Hung 03

Ảnh sản phẩm OCOP huyện Nghĩa Hưng năm 2025

Định hướng phát triển – Chủ động thích ứng, vững vàng hội nhập

Trong bối cảnh tỉnh Nam Định đang triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, huyện Nghĩa Hưng cũng đứng trước những đổi thay lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi về tổ chức hành chính không làm gián đoạn hành trình OCOP mà còn mở ra những cơ hội mới để mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng sẽ tiếp tục tập trung vào các định hướng trọng tâm để phát triển sản phẩm ngày một tốt hơn:

  • Tập trung nâng hạng các sản phẩm đạt 3 sao lên 4 sao, hướng tới sản phẩm tiềm năng 5 sao, đặc biệt với các nhóm sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao như yến sào, sản phẩm tinh bột, thực phẩm chế biến.
  • Tăng cường liên kết giữa các chủ thể OCOP, phát triển chuỗi giá trị khép kín, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và sản xuất theo hướng an toàn.
  • Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, truyền thông số để quảng bá sản phẩm OCOP đến nhiều phân khúc khách hàng hơn, cả trong nước và quốc tế.

OCOP Nghĩa Hưng – Hành trình khẳng định giá trị bản địa trong thời kỳ mới

OCOP năm 2025 của huyện Nghĩa Hưng không chỉ dừng lại ở con số 20 sản phẩm được công nhận, mà quan trọng hơn là sự lan tỏa tinh thần đổi mới, sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền và người dân. Trong bối cảnh đang chuẩn bị chuyển mình về tổ chức hành chính, những tín hiệu khởi sắc từ chương trình OCOP chính là nền tảng để các xã trên địa bàn tiếp tục khẳng định bản sắc riêng, phát huy thế mạnh nông thôn và đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững và hội nhập.

Để lại một bình luận

Kết nối zalo