Trong những năm qua, huyện Giao Thủy luôn được nhắc đến là điểm sáng trong triển khai xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Nam Định. Không chỉ là huyện đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Giao Thủy còn là địa phương tiên phong trong triển khai, đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP năm 2025. Những kết quả ấn tượng trong cả hai đợt đánh giá sản phẩm OCOP vừa qua tiếp tục khẳng định vai trò là “lá cờ đầu” của Giao Thủy trong phong trào OCOP toàn tỉnh.
Chủ động, quyết liệt và hiệu quả từ những ngày đầu năm
Ngay từ tháng 2/2025, trong bối cảnh toàn tỉnh đang chuẩn bị cho chu kỳ đánh giá sản phẩm OCOP mới, Giao Thủy đã chủ động tổ chức Hội nghị đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1, trở thành huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiến hành hoạt động này trong năm. Đợt đánh giá đã ghi nhận 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, bao gồm:
- Rau cải bó xôi THGY, Rau cải chíp THGY, Rau cải ngọt THGY của Hợp tác xã rau hữu cơ TH Giao Yến,
- Mật ong sú vẹt Xuân Thủy và Mật ong sú vẹt Xuân Thủy hạ thủy phần.
Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, gắn với vùng nguyên liệu sạch, sản xuất hữu cơ, quy trình chế biến an toàn và bao bì nhãn mác được đầu tư chỉnh chu, chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc hai sản phẩm mật ong được phát triển từ vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy – khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam – đã tạo thêm giá trị sinh thái và bản sắc riêng cho sản phẩm OCOP của huyện.
Ngay sau đợt đánh giá đầu tiên, huyện Giao Thủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chuẩn bị cho đợt đánh giá thứ hai trong năm.
Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP đợt 2 – Khẳng định sự chuyên nghiệp và quyết tâm nâng tầm sản phẩm
Ngày 27/5/2025, Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Giao Thủy tổ chức Hội nghị đánh giá đợt 2 với quy mô mở rộng và sự tham gia của nhiều cơ sở sản xuất. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngát – Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá sản phẩm và phân hạng OCOP huyện, cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, đơn vị tư vấn OCOP cấp tỉnh và đại diện các Phòng, đơn vị của huyện.
Tại Hội nghị đồng chí Trần Thị Ngát khẳng định: “Huyện Giao Thủy luôn xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng địa phương. Những năm qua, huyện đã không ngừng đồng hành, hỗ trợ các chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP một cách thực chất, bền vững.”
Thành viên hội đồng đánh giá, nhận xét về sản phẩm
Trong đợt đánh giá này, huyện Giao Thủy trình 11 sản phẩm của 6 cơ sở sản xuất, bao gồm 6 sản phẩm đề nghị công nhận mới và 5 sản phẩm đề nghị công nhận lại, nâng hạng sao. Các cơ sở đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, thuyết trình rõ ràng về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và chiến lược phát triển trong thời gian tới. Các sản phẩm tham gia đánh giá lần này tiếp tục thể hiện tính đa dạng, độc đáo và tiềm năng phát triển cao:
- Cơ sở nước mắm Phước Hậu (hộ kinh doanh Vũ Văn Hậu – Giao Châu): với 3 sản phẩm nước mắm cốt tôm Phước Hậu, nước mắm cốt cá Phước Hậu và mắm tôm Phước Hậu.
- Hộ kinh doanh Phạm Văn An: với 2 sản phẩm nước mắm cốt tôm Thiên An và Nước mắm cốt cá Thiên An.
- Hộ kinh doanh Vũ Duy Tinh: với 2 sản phẩm Mắm tôm Vũ Duy tinh và Nước mắm Vũ Duy Tinh.
- Hợp tác xã sản xuất Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp đánh giá lại với 2 sản phẩm chế biến sáng tạo là giò nấm và nem nấm.
- Hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Bắc với sản phẩm Mật ong sú vẹt Bắc Hồng: sản phẩm đã đạt chứng nhận ISO từ năm 2022, được đánh giá cao về mẫu mã và tiềm năng thương mại.
- Hộ kinh doanh Bùi Thị Gấm: với sản phẩm giò lụa truyền thống, được đề nghị công nhận lại.
Chủ thể trình giới thiệu về sản phẩm tham gia đánh giá
Đáng chú ý, sản phẩm mật ong sú vẹt Bắc Hồng được nuôi và thu hoạch tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy – có sản lượng ổn định hơn 10 tấn/năm, được đề nghị đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh với tổng điểm đạt 71,8.
Góp ý thẳng thắn – Hỗ trợ thiết thực – Hướng tới phát triển bền vững
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng OCOP cấp tỉnh đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý thiết thực cho từng sản phẩm. Nội dung góp ý tập trung vào:
- Hoàn thiện bao bì, tem nhãn: đảm bảo tính thẩm mỹ, rõ ràng thông tin, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc.
- Bổ sung tiêu chí về bảo quản, hướng dẫn sử dụng: đặc biệt với sản phẩm thực phẩm tươi, sản phẩm chế biến từ nấm.
- Kết hợp thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại: để đảm bảo chất lượng đồng đều, ổn định lâu dài.
- Định hướng đăng ký ISO, bảo hộ nhãn hiệu: để tạo lợi thế khi mở rộng thị trường, đặc biệt là với các sản phẩm tiềm năng như mật ong Bắc Hồng, nem nấm, giò nấm…
Những đánh giá, nhận xét mang tính xây dựng đã giúp các chủ thể nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm để tiếp tục hoàn thiện. Đây chính là điểm cốt lõi tạo nên sự thành công cho Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP của huyện.
Kết quả, cả 11 sản phẩm được đánh giá đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó sản phẩm mật ong Bắc Hồng được đề xuất công nhận OCOP 4 sao – một thành quả đáng khích lệ cho nỗ lực bền bỉ của cơ sở sản xuất và sự đồng hành của các cấp chính quyền huyện Giao Thủy.
Sản phẩm mật ong sú vẹt Bắc Hồng đánh giá tại Hội nghị
Giao Thủy – Từ nông thôn mới nâng cao đến OCOP kiểu mẫu
Nhìn lại chặng đường triển khai Chương trình OCOP, Giao Thủy không chỉ làm tốt ở số lượng sản phẩm, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong tổ chức, quyết liệt trong chỉ đạo và bền bỉ trong hỗ trợ các chủ thể. Việc đánh giá 2 đợt với tổng cộng 16 sản phẩm trong chưa đầy nửa năm là minh chứng cho tinh thần “OCOP không có điểm dừng” mà huyện đã xác định.
Từ sản phẩm rau hữu cơ sạch ở Giao Yến, đến nước mắm truyền thống ở Giao Châu, rồi đến mật ong sú vẹt của vùng rừng ngập mặn Xuân Thủy – mỗi sản phẩm OCOP của Giao Thủy đều mang trong mình câu chuyện riêng, phản ánh bản sắc địa phương, gắn với sinh kế và tiềm năng phát triển bền vững.
Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP huyện Giao Thủy năm 2025 đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Từ công tác tổ chức chuyên nghiệp, tinh thần cầu thị của các cơ sở sản xuất, đến sự đồng hành trách nhiệm của các cấp, ngành – tất cả tạo nên bức tranh sinh động về một Giao Thủy năng động, sáng tạo và tiên phong trong xây dựng OCOP.
Trong thời gian tới, trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng, các xã thuộc địa bàn huyện Giao Thủy sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tiếp tục phát huy vai trò, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn như 4 sao, 5 sao, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Dự kiến cấp huyện sẽ dừng hoạt động sau ngày 1/7/2025, nhưng những dấu ấn và kết quả nổi bật mà huyện Giao Thủy đã đạt được sẽ trở thành nguồn cảm hứng và nền tảng quan trọng để các xã tiếp tục hành trình phát triển OCOP. Giao Thủy xứng đáng là một hình mẫu tiêu biểu trong Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định – nơi OCOP không chỉ là một chương trình mục tiêu, mà là hành trình bền bỉ nâng tầm giá trị bản địa và phát triển kinh tế nông thôn một cách sâu rộng, bền vững.